Vai trò của phong thủy trong trang trí nhà cửa
Xem tử vi năm 2016 Bính Thân cho 12 con Giáp dựa theo ngày sinh !!!
Bột Tẩy Uế chính hiệu, sản phẩm không thể thiếu của mọi nhà !!!
Khi xây dựng và trang trí nhà cửa, phong thủy đóng vai trò vô cùng quan trọng không chỉ về tâm linh mà mang yếu tố khoa học. Phong thủy quyết định đến tài lộc, sức khỏe của cả gia đình thông qua sự hòa hợp về phong thủy.
1. Phong thuỷ – một nhu cầu thực tế
Từ xưa vấn đề phong thuỷ trong xây dựng công trình, nhà ở đã được quan tâm, ở cả tầng lớp vua quan, nhà giàu quyền quý cho đến thường dân, và mức độ quan tâm cũng phân theo đẳng cấp công trình và vị thế chủ nhân.
Phong thuỷ là một môn khoa học, cứ hiểu theo cách như thế, thì bản thân nó là một chuyên ngành riêng, một nhánh hẹp, người hành nghề phong thuỷ xưa là thầy địa lý; chứ đâu phải “thầy” nào cũng có khả năng “phán” hay giải quyết vấn đề phong thuỷ.
Cầu thang đổ ra cửa là điều trái với phong thủy
Xem phong thuỷ trở thành thói quen, thành nếp nghĩ, thậm chí trở thành một… căn bệnh phổ biến, tràn lan trong việc xây dựng nói chung, từ nhà ở, công trình công cộng cho tới cả việc sắp đặt nội thất. Và phong thuỷ đã trở thành một yếu tố tham gia cùng câu chuyện thiết kế của nhà chuyên môn – là kiến trúc sư. Nhiều kiến trúc sư cũng phải tìm đến những tài liệu phong thuỷ để nghiên cứu tìm hiểu, với mong muốn chủ động hơn trong công việc thiết kế của mình.
2. Những vấn đề “thầy” thường xem xét
– Các không gian, bộ phận kiến trúc.
– Hướng đất, nhà: Hướng tốt hay xấu, hướng hợp hay không hợp (mệnh, tuổi chủ nhân) nhiều khi quyết định tới giải pháp quy hoạch – kiến trúc, thậm chí là cả kế hoạch dự án.
– Cổng, cửa chính: là những nơi quan trọng, là bộ mặt của công trình, là lối ra vào thường xuyên, liên quan đến sinh hoạt và tất nhiên là những nơi cần xem xét. Hệ thống cửa (cửa đi, cửa sổ) còn được coi là nơi dẫn khí trong công trình.
– Bể ngầm: trong công trình nhà ở gia đình, bình thường và tối thiểu là có một bể ngầm chứa nước sạch và một bể phốt chứa chất thải. Bể nước sạch được coi là yếu tố dẫn tài lộc vào (nước cấp), bể phốt là nơi chứa và xả thải chất bẩn, các yếu tố bất lợi ra khỏi nhà.
– Cầu thang: Về cấu trúc không gian, cầu thang được coi là xương sống của ngôi nhà
– Bếp: nằm trong “chuỗi hệ thống” môn – táo – chủ. Không gian bếp và vị trí, hướng bếp nấu rất có ý nghĩa trong sinh hoạt gia đình và cả tín ngưỡng. Bếp là nơi chứa yếu tố “hoả” của ngũ hành.
– Phòng ngủ và phòng làm việc: là những không gian được mọi người cho là liên quan tới sức khoẻ, hạnh phúc gia đình, sự thuận lợi trong công việc, làm ăn; thành đạt trong học tập, công danh sự nghiệp của người sử dụng.
– Phòng thờ, bàn thờ: đây là không gian truyền thống gắn liền với văn hoá, phong tục, tín ngưỡng. Có thể có rất nhiều không gian mà chủ nhà không quan tâm tới vấn đề phong thuỷ nhưng phòng thờ, bàn thờ nhất thiết phải được xem xét thật kỹ.
3. Những “kiểu” xem xét
Thầy phong thùy tác động không nhỏ khi xem xét bố trí căn nhà
– Hướng: đối với hướng nhà, hướng cửa, hướng bếp nấu, hướng đặt bàn thờ, giường ngủ…
– Vị trí: cổng, cửa chính, các không gian sử dụng và sinh hoạt, các bộ phận công năng và kỹ thuật đặt trong tương quan với nhau và với tổng thể công trình.
– Kích thước, số lượng: cửa, bậc thang…
– Hình dáng: mặt bằng công trình, hình thức kiến trúc tổng thể, hình thức mái, các chi tiết trang trí…
– Màu sắc: tổng thể công trình hoặc các bộ phận kiến trúc tuỳ theo từng không gian cụ thể nhằm đạt tới yếu tố đắc lợi, phù hợp mệnh, tuổi chủ nhân và các thành viên trong gia đình trong quan hệ ngũ hành.
4. Phong thuỷ và thiết kế – đi tìm tiếng nói chung?
Thực tế là nhiều kiến trúc sư đã phải tìm hiểu, nghiên cứu về phong thuỷ để hỗ trợ tốt trong công việc chuyên môn thiết kế của mình. Khi đó, phong thuỷ và kiến trúc sẽ được giải quyết hợp lý, khéo léo chứ không phải là sự chắp vá, khiên cưỡng. Cũng có rất nhiều trường hợp, từ những yêu cầu về phong thuỷ, kiến trúc sư đã đề ra được những giải pháp, ý tưởng kiến trúc hay, sáng tạo. Trường hợp này lại là một thuận lợi trong quá trình tư vấn, thiết kế đối với chủ nhà.
Nhưng mọi người, nhất là kiến trúc sư – với vai trò tư vấn, phản biện và định hướng xã hội, cần phải hiểu rằng: phong thuỷ là khoa học – nghệ thuật tổ chức không gian cư trú phù hợp môi trường tự nhiên và xã hội, nhằm đạt tới sự an lành và bền vững. Rất nhiều những yếu tố phong thuỷ tương đồng, quan hệ chặt chẽ với vấn đề khí hậu và vật lý kiến trúc, văn hoá và tâm sinh lý con người.